Tuesday, March 27, 2012

LE PHAT DAN


Lễ Phật Ðản là ngày vui của Phật tử trên toàn thế giới. Chúng ta đón mừng ngày Phật Ðản để tưởng niệm đến Ðấng Cha Lành. Với lòng từ bi vô hạn, Ngài đã hành đạo nhiều vô số kiếp hầu tìm ra con đường giải thoát cho Ngài và chúng sanh. Từ khi Ðức Phật ra đời, loài người và chư thiên được hưởng rất nhiều phước báu trong thế gian lẫn xuất thế gian. Giáo Pháp của Ngài là món linh dược mà bất cứ ai thực hành theo đều đạt được hạnh phúc và đi đến nơi giải thoát bình yên. Hôm nay, nhân ngày Lễ Phật Ðản, chúng ta ôn lại vài điểm chính trong đời sống của Ngài.


Khởi thủy

Một vị bồ tát từ ngàn xưa với tâm từ bi muốn cứu độ chúng sanh thoát khỏi chốn đau khổ mê lầm, đã dày công thực hành mười pháp ba-la-mật trong vô lượng kiếp. Ngài nguyện chứng đắc đạo quả Chánh Ðẳng Chánh Giác để đem lại con đường giải thoát cho chúng sanh.

Giáng sanh

Thấy duyên chứng ngộ đạo quả Bồ-đề đã đầy đủ, Ðức Bồ-tát giáng sanh xuống cõi Ấn Ðộ, vào bào thai của Hoàng Hậu Maya, vợ Vua Tịnh Phạn thuộc dòng Thích Ca. Lúc bấy giờ, Ấn Ðộ là một nước rất văn minh, có Tịnh Phạn Vương là bậc hiền nhân và Hoàng Hậu Maya là người tài sắc, đức hạnh vẹn toàn.

Ðản sanh

Gần mười tháng sau, một buổi sáng khi Hoàng Hậu đang cùng người hầu trên đường về quê mẹ để chuẩn bị cho kỳ sinh nở, nàng vào nghĩ chân ở vườn Lâm Tỳ Ni. Cảnh vườn tuyệt đẹp. Cây cao, bóng mát, chim xanh ríu rít, hoa nở khắp nơi. Khi nàng đến vịn vào cây sala, Ðức Bồ-tát liền nhẹ nhàng đản sanh. Ngài vững vàng bước đi bảy bước, tuyên bố:

"Trên thiên giới, dưới người trần thế,
Chỉ có ta cao quí phi thường.
Thân này kiếp chót Pháp Vương,
Không còn trở lại con đường tử sanh."

Ðất trời hoà nhạc, muôn hoa đón chào. Ánh quang minh tỏa rực khắp nơi nơi, mọi chúng sanh nghe lòng hoan lạc. Quả đất động lòng rung chuyển. Chư thiên rãi hoa kính mừng. Ðức Bồ-tát đã đản sanh! Ấy nhằm ngày rằm tháng tư, âm lịch, cách đây 2543 năm.

Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ trên thân Ngài chứng tỏ Ngài là bậc Ðại Nhân sau này sẽ chứng đắc Phật quả chẳng sai. Cõi nhân thiên đang sắp hưởng hạnh phúc tuyệt vời. Không bao lâu Ngài sẽ đắc đạo quả Vô Thượng Cháng Ðẳng Cháng Giác và truyền bá con đường hạnh phúc Ngài tìm thấy được cho chúng sanh. Ðó là con đường giải thoát đưa chúng sanh ra khỏi chốn khổ não mê lầm.

Trưởng thành

Lớn lên, Ngài là một vị Hoàng Tử đẹp trai, văn võ toàn tài, thông minh xuất chúng. Vua cha cưng chìu hết mực. Ngài cho xây ba tòa cung điện thật đẹp để Hoàng Tử ở theo ba mùa nóng, lạnh và mưa. Lại còn thêm ba hồ sen xanh, đỏ, trắng tỏa ngát sắc hương. Vườn hoa xinh đẹp luôn được chăm sóc cẩn thận với muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ. Trầm hương Ngài dùng đều được chọn lựa cẩn thận. Y phục Ngài mặc đều là lụa thượng hảo xứ Kasi. Ðội vũ nhạc xinh đẹp luôn luôn đem niềm vui cho Hoàng Tử. Bao vây Ngài toàn là những thứ thích ý vừa lòng. Tất cả những gì xấu xa, khổ đau, già úa đều bị cấm diễn ra trước mắt Ngài. Nhưng Ngài không say đắm trong những xa hoa này. Trong tâm Ngài, lòng từ bi lúc nào cũng ngút ngàn và trí tuệ luôn sáng tỏ.

Xuất gia

Nhân duyên đưa đến. Một hôm khi cùng người hầu ngự xe ngựa đi dạo phố, tình cờ Ngài gặp cảnh già, bệnh, chết. Nhận thức rằng cuộc đời này thật không bền vững, nó bị sự chi phối của vô thường và khổ não mà sự vinh hoa chẳng qua chỉ là một chút hạnh phúc ảo huyền, nên từ đó Ngài hằng suy tư tìm cách thoát khổ. Rồi Ngài gặp một vị sa môn trong chiếc y vàng đang an tịnh tỉnh lặng đi ngoài đường. Ðến gần đón hỏi, vị sa môn bảo rằng:

"Cuộc đời thống khổ ưu phiền,
Nên tu để thoát con đường tử sanh."

Nghe chữ xuất gia tầm đạo giải thoát, tâm Hoàng Tử bừng sáng liền nhận định rõ con đường. Một đường theo ái dục đi về tử sanh bệnh lão. Một đường xả ly đi về giải thoát bình an. Lòng Ngài hớn hở. Chí Ngài đã quyết xuất gia.

Cùng lúc ấy, Ngài được tin vợ Ngài, Công Chúa Gia-Du-Ðà-La, đã hạ sanh được một Hoàng Nam. Một người cha bình thường khi nghe tin đứa con đầu lòng ra đời thì vui mừng khấp khởi. Nhưng Ðức Bồ-tát thì ngược lại. Ngài than rằng: "Dây trói buộc đã sanh ra!" Vì vậy, Ngài đặt tên con mình là Rahula, có nghĩa là "Dây Trói Buộc".

Chí xuất gia vẫn không giảm sụt trong tâm ý Ngài. Vào lúc nữa đêm, Ngài yên lặng đến nhìn vợ con lần cuối trước khi giã từ. Lòng từ của Ngài đối với họ thật nhiều. Nhưng tâm từ bi của Ngài đối với chúng sanh đau khổ còn nhiều hơn. Ngài muốn cho mọi người thật nhiều hạnh phúc. Và điều hạnh phúc ấy là hạnh phúc thoát khỏi vòng sanh tử, chấm dứt mọi khổ đau.

Hoàng cung đêm nay thật yên tĩnh. Mọi người đang ngủ say. Ðêm khuya trong vắt như pha lê. Trên trời lấp lánh muôn ngàn vì sao dẫn lối. Với ngọn đuốc thiêng rực sáng trong tim mình, Ngài thắng ngựa thẳng tiến vào màn đêm.

Tầm đạo

Ðức Bồ-tát xuất gia vào lúc hai mươi chín tuổi. Trên đường tầm đạo, đầu tiên Ngài đến học nơi đạo sĩ A-La-Ra. Với kỹ thuật hành thiền của đạo sĩ, không bao lâu Ngài đắc sở học tối cao của vị này, đó là chứng thiền vô sở hữu xứ. Ðây là cõi thiền vô sắc, rất hạnh phúc bình an. Nhưng Ngài biết rằng sự chứng đạt này vẫn còn nằm trong vòng sanh tử. Không thỏa mãn, Ngài đi tìm đường lối tu luyện cao siêu hơn.

Gặp đạo sĩ U-Ða-Ka, trong vài ngày hành thiền, Ngài cũng đạt sở học tối hậu của vị này, đó là chứng thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng. Ðây là mức chứng đạt cao nhất mà các đạo sĩ thời ấy có thể đạt được.

Xét lại tâm mình, Ngài thấy ô nhiễm não phiền vẫn chưa dứt bỏ. Ngài biết rằng mức độ chứng đạt này cũng vẫn còn nằm trong phạm vi sanh tử của thế gian. Ngài từ giã thầy U-Ða-Ka, quyết chí tự mình tìm đường đạo.

Gặp năm vị đạo sĩ đang chuyên cần tu theo phương pháp khổ hạnh, Ngài cũng thực hành theo. Sáu năm tinh tấn hành khổ hạnh, Ngài chịu nóng, chịu lạnh, thực hành nhiều cách khổ đau. Ăn uống quá ít oi, một hôm Ngài đuối sức té ngã gần như chết. Tỉnh lại, nhận thức rằng con đường khổ hạnh hành xác không phải là con đường giải thoát, Ngài tắm rửa rồi dùng thực phẩm trở lại. Từ đó Ngài chọn lối tu bằng con đường Trung Ðạo, là con đường không theo ái dục, cũng chẳng ngã về khổ hạnh hành hạ xác thân.

Thành đạo

Một hôm, khi đang ngồi tham thiền dưới gốc đại thọ, Ngài được nàng Sujata để cơm sữa đề hồ trong bát vàng dâng cúng. Dùng cơm xong, Ngài thả bát vàng xuống sông phát nguyện: "Nếu như ta chứng được đạo quả bồ-đề thì bát vàng hãy trôi ngược dòng sông!" Thật nhiệm mầu! Cái bát như có linh tính liền ngược dòng trôi trở lên.

Phấn khởi, Ðức Bồ-tát chọn ngồi tham thiền dưới một cội cây tỏa bóng râm rộng lớn. Ngài nguyện: "Cho dù thịt có khô và máu có cạn, nếu không giác ngộ ta quyết không rời nơi đây!".

Với lời nguyện vững chắc, Ngài tĩnh tọa tham thiền dưới cây đại thọ. Không bao lâu tâm Ngài đi vào các tầng thiền định mà lúc trước Ngài đã thành công. Trong đêm khuya yên lặng, với tâm định tỉnh, thanh tịnh, nhẹ nhàng, Ngài dùng chánh niệm quán chiếu sự sanh diệt trong nhiều kiếp trước. Ngài thấy một kiếp, hai kiếp, rồi mười kiếp, hai mươi kiếp, rồi hai ngàn kiếp, hai trăm ngàn kiếp. Ngài thấy vô số kiếp. Ngài thấy sự sanh diệt của thế giới, hết thế giới này đến thế giới khác, các thế giới nối tiếp nhau sanh diệt không cùng. Ðây là Túc Mạng Minh mà Ngài chứng được trong canh đầu.

Những gì không biết về quá khứ đã được tận diệt. Minh tuệ phát triển, Ngài hướng chánh niệm quán sát sự sanh diệt của chúng sanh. Với tuệ nhãn thanh tịnh, Ngài thấy chúng sanh chết chổ này tái sanh chổ kia. Ngài thấy chúng sanh trong các nẻo tử sanh thọ khổ thọ lạc tùy theo nghiệp báo. Người giàu sang quí phái, kẻ hạ tiện bần cùng, mỗi mỗi đều thọ nhận quả báo do nhân lành hoặc dữ mà họ đã tạo. Nghiệp tốt hay xấu đi theo họ như bóng theo hình. Những ai sống theo đường lối tà vạy, cướp của, giết hại chúng sanh, tà dâm vọng ngữ, uống rượu mê say phải bị đọa sanh vào ác đạo. Những ai có chánh kiến, biết hướng thượng, có bố thí, trì giới, tham thiền thì được tái sanh làm người giàu sang hay thành chư thiên hưởng hạnh phúc dài lâu. Ðây là Thiên Nhãn Minh mà Ngài đắc được vào canh hai.

Những gì không biết về tương lai đã được xóa tan. Trí tuệ Ngài càng sáng tỏ. Ngài hướng chánh niệm nhìn vào sự tận diệt của ô nhiễm trong tâm. Ngài thấy rõ rằng: "Ðây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là sự chấm dứt đau khổ, và đây là con đường dẫn đến nơi tận diệt mọi khổ đau". Trí tuệ này là Lậu Tận Minh, biết rằng đã hoàn toàn diệt sạch ô nhiễm trong tâm. Ðạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác đã viên thành.

Lang thang bao kiếp luân hồi,
Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà này!
Ôi! Ðời sống thật buồn thay!
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về.

Hỡi này anh thợ nhà kia!
Rui, mè, kèo, cột gãy lìa nát tan.
Bao tham ái thảy tiêu tan
Tâm ta thắng đạt Niết-bàn thảnh thơi.

(Pháp Cú câu 153-154 - Tâm Cao phổ thơ)

Sao mai vừa mọc. Ngày này cũng là ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, đồng với ngày Ðức Bồ-tát đản sanh. Lúc này Ngài vừa tròn ba mươi lăm tuổi. Vầng dương quang hoan hỉ đón mừng vị Pháp Vương vừa thành đạo. Ðức Phật đã chứng đạt đạo quả Vô Thượng Bồ-đề. Tự thân Ngài hào quang sáu màu tỏa ra ngời sáng. Ngài sẽ đem lại con đường mà Ngài tìm ra cho chúng sanh.

Từ nay chúng sanh sẽ có duyên đi đến nơi dứt khổ như Ngài. Thật là hạnh phúc! Ðất trời trổi nhạc, muôn hoan đón mừng. Chư thiên từ muôn ngàn thế giới hội về rãi hoa đảnh lễ Ðức Phật. Họ hoan hô chúc mừng sự thành công của Ngài. Thành kính, chư thiên đảnh lễ Ngài: Namo tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa. (Nghĩa: Con thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc cao thượng đã tận diệt ô nhiễm. Ngài đã tự tìm ra con đường giải thoát và đã được giác ngộ hoàn toàn).

Truyền đạo

Từ đó về sau, Ðức Phật không ngừng truyền bá giáo pháp của Ngài cho chúng sanh. Từ các hàng vua chúa thượng lưu đến những kẻ bần cùng trong ngõ hẹp, từ những dạ-xoa hung ác đến các vị chúa trời nhiều dục lạc và tà kiến phạm thiên, tùy theo căn duyên của chúng sanh mà Ngài hướng dẫn Con Ðường. Trong bốn mươi lăm năm hoằng pháp, Ngài đem lại hạnh phúc thoát khổ cho vô số chúng sanh. Ngài dạy chúng ta lý Tứ Diệu Ðế:

"Ðây là khổ
Ðây là nguyên nhân sanh khổ,
Ðây là sự dứt khổ,
Và đây là con đường đi đến nơi chấm dứt khổ đau."

Nhập Niết-bàn

Bốn mươi lăm năm sau, khi Ðức Phật được tám mươi tuổi, Ngài nhập Niết-bàn trước sự chứng kiến của rất nhiều Thánh Nhân đệ tử của Ngài, loài người lẫn chư thiên. Ngày ấy cũng là ngày rằm tháng tư âm lịch, cùng ngày Ðức Phật đản sanh và ngày Ngài chứng quả Bồ-đề.

Trước khi Ðức Phật nhập Niết-bàn, Ngài dạy: "Này Ananda, hãy lấy chính con làm hải đảo của con. Chính con làm nơi nương tựa cho con. Không nên ỷ lại nơi ai khác để làm chổ nương tựa. Hãy bám sát giáo pháp như một hải đảo. Bất luận ai, này Ananda, dầu trong hiện tại hay sau khi Như Lai đã viên tịch, lấy chính mình làm hải đảo cho mình, không nương tựa nơi nào ở ngoại cảnh, chính những người ấy trong nhóm môn đệ của Như Lai, này Ananda, sẽ đạt đến mức cao tuyệt đỉnh. Nhưng những người ấy phải tận lực gia công để tiến hóa".

Cuối cùng, trước khi giã từ, Ngài dạy: "Này các đệ tử, đây là điều ta dạy các con: Các pháp hữu vi thật không bền vững. Hãy chuyên cần tinh tấn hành đạo, chớ có dễ duôi".

Chúng ta cần phải làm gì?

Ðể tưởng niệm đến công ơn của Ðức Thế Tôn, chúng ta đón mừng ngày Ðức Phật đản sanh (cũng là ngày Ðức Phật thành đạo và nhập Niết-bàn). Ðây là ngày quan trọng nhất cho các hàng phật tử trên toàn thế giới. Chúng ta cúng dường hương hoa đến Ðức Thế Tôn, nguyện rằng mỗi mỗi chúng ta đều cố gắng thực hành theo lời dạy của Ðức Phật. Người Phật tử tại gia thì siêng năng thực hành bố thí, trì giới, tham thiền. Tu sĩ thì chuyên cần giữ giới, tham thiền, hướng tâm đến trí tuệ giải thoát.

Ðiều quan trọng thực tế là chúng ta cần có chánh kiến, tin tưởng và biết rõ nghiệp quả, làm phước hưởng phước, làm ác chịu khổ. Tà kiến cần được loại bỏ. Trong bốn mươi lăm năm Ðức Phật dạy đạo, Ngài luôn khuyên chúng ta nên tự mình tinh tấn tu hành để đi đến nơi thoát khổ.

Bát-Chánh Ðạo, con đường thoát khổ Ngài dạy đã rõ ràng. Vậy, chúng ta cần phải đi theo hướng chỉ của Ngài để đem lại hạnh phúc cho mình và người. Khi thật sự có thực hành Phật Pháp thì không những chúng ta đạt được nhiều hạnh phúc mà còn làm cho Giáo Pháp của Ðức Phật được truyền bá dài lâu. Có làm vậy thì chúng ta mới xứng danh là người con của Ðức Phật.

Pháp Bảo của Ðức Phật vẫn mãi còn với chúng ta. Mỗi khi thực hành Pháp Bảo, có chánh niệm đưa tâm về với sự bình yên trong sạch là chúng ta sống với tỉnh thức, với giải thoát, với Phật Ðà.

Cuối cùng, chúng ta đồng cầu nguyện cho mình và tất cả đều đạt được đạo quả giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Sadhu! Sadhu! Lành thay!

Tỳ kheo Na Tiên
Thiền thất Quán Minh
Falls Church, Virginia, USA
tháng 5-1999
Lễ Hội Đản Sanh
25/05/2010 08:22:00Thích Thông Huệ
Đã đọc: 3424 Cỡ chữ:

Cứ đến mùa sen nở, báo hiệu một mùa Phật Đản nữa lại về trong hàng triệu trái tim của những người con Phật trên khắp năm châu bốn bể. Ngày Phật Đản đã ăn sâu trong lòng của tất cả mọi người phật tử, nghiễm nhiên trở thành một mùa lễ hội Đản sanh truyền thống trọng đại của Phật giáo. Nhiều hoạt động chào mừng sự kiện Đức Từ Phụ đản sanh được diễn ra: thiết lập lễ đài, vườn Lâm Tỳ Ni, diễu hành xe hoa, tổ chức các buổi thuyết giảng, tọa đàm về ý nghĩa Phật Đản, triển lãm văn hóa nghệ thuật Phật giáo, kết hợp với các hoạt động từ thiện xã hội, ủy lạo cứu tế đồng bào nghèo, thăm viếng trại dưỡng lão, trẻ em khuyết tật, đặt vòng hoa tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ..., nhằm mang thông điệp từ bi cứu khổ của Đạo Phật vào đời. Tất cả những việc làm đó tạo nên một không khí hân hoan, tưng bừng của mùa lễ hội đản sanh - ngày Tết của Phật giáo - cả về nội dung lẫn hình thức. Mỗi mùa Phật Đản đến cũng là dịp cho chúng ta ôn lại những nét đẹp, nhân cách siêu phàm của Đức Phật để học tập theo trí tuệ và hạnh đức từ bi của Đấng Cha Lành.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện giữa cõi đời không ngoài mục đích đáp ứng nguyện vọng giải thoát khổ đau của nhân loại. Từ địa vị Thái tử cao quý của xứ Ấn Độ thời bấy giờ, cung vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ, lạc thú trần gian, tất cả Ngài không thiếu. Nhưng Ngài quan niệm đó không phải là hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Hạnh phúc chân chính là giải thoát khỏi khổ đau sinh tử của kiếp người. Phát nguồn từ nhận định đó, Ngài đã giã từ lạc thú và ra đi tìm đạo, để hôm nay nhân loại có một kho tàng giáo lý vô tận trên lộ trình đi đến giác ngộ giải thoát. Hơn 2500 năm lịch sử đã đi qua, nhưng hình ảnh tuyệt vời của Đức Thế Tôn vẫn chói sáng trong tâm hồn chúng sinh nhân loại. Là những người học Phật, chúng ta nên khéo áp dụng lời dạy của Ngài vào cuộc sống đời thường, chuyển hóa thân tâm, đem Phật Pháp xây dựng thế gian, hướng đến đời sống chân thiện mỹ.

Kinh Pháp Cú 182 có ghi:

“Khó thay được làm người

Khó thay được sống còn

Khó thay nghe diệu pháp

Khó thay Phật ra đời”.

Đây là bốn điều khó, rất hy hữu mà Đức Phật đã dạy. Trong Kinh có nói: “Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe”. Chúng ta hôm nay được sinh ra làm thân người là một điều hạnh phúc hiếm có. Trong lục đạo, loài người vừa có vui vừa có khổ, không u mê ám chướng như các loài súc sanh, biết suy tiến đời sống đạo đức tinh thần, có trí tuệ hiểu biết, nhận ra con đường tu tập chân chính để chuyển hóa bản thân, thăng hoa trong đời sống tâm linh. Được làm người đã khó, được sống còn lại khó hơn. Có người mới sanh ra được một thời gian ngắn rồi chết, chưa nghe được diệu pháp. Chúng ta được diễm phúc làm người khỏe mạnh lành lặn, lại nghe hiểu giáo lý vi diệu của Đức Phật, phải biết rằng, mình đã gieo trồng căn lành từ nhiều kiếp quá khứ, giờ đây mới được gần gũi ngôi Tam Bảo tu hành, có điều kiện tiến bộ trong đời sống đạo đức. Đức Phật từng dạy:

“Người sống một trăm năm,

Không nghe hiểu Phật Pháp,

Không bằng sống một ngày,

Nghe hiểu được Phật Pháp”.

(PC. 113)

Chúng ta đang sống trong đêm trường vô minh tăm tối. Giáo pháp của Đức Phật như ngọn đuốc sáng soi đường cho chúng ta đi không bị lầm lạc vào các nẻo tà. Một khi đã học hiểu Phật Pháp, chúng ta phải quý tiếc quỹ thời gian công phu tu tập, tự áp dụng để tịnh hóa thân tâm.

Điều hy hữu nhất trong tất cả những điều hy hữu là: khó thay Phật ra đời. Đây là sự kiện trọng đại, vị tằng hữu (chưa từng có), nghìn năm chưa một thuở trong lịch sử nhân loại. Trong một thế giới, không bao giờ có hai vị Phật đồng thời xuất hiện. Kinh Nikaya có ghi: “Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một cách vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán Chánh Đẳng Giác”. Sự xuất hiện của Ngài được gọi là vi diệu vì sự xuất hiện đó như ánh sáng mặt trời xua tan bóng đêm tăm tối, mang lại hạnh phúc đích thực, bình an vĩnh cửu cho vạn loại, ban cho chúng sanh một phương thuốc mầu nhiệm điều trị tâm bệnh, nỗi khổ trầm luân sinh tử.

“Khó gặp được Như Lai,

Không phải đâu cũng có.

Chỗ nào Phật đản sanh,

Nơi đó tất an lạc”.

(PC. 193)

Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, không còn gặp được Đức Phật hiện hữu. Tuy thân ba mươi hai tướng tốt đã hoại diệt nhưng pháp thân của Ngài vẫn không mất. Khi nào ngôi Tam Bảo còn cửu trụ nơi thế gian thì Đức Phật vẫn còn hiện hữu. Một khi chúng ta nghe hiểu Phật Pháp có sự tỉnh giác, tức là Phật đang ở trong ta. Một niệm tỉnh giác khởi lên, liền đó Phật đản sanh; một niệm vô minh tăm tối dấy khởi thì Phật nhập diệt. Nhân ý nghĩa sự kiện đản sanh của Ngài mà nhắc ta luôn nhớ bản tâm Phật tánh hằng hữu trong mỗi chúng sinh. Kinh Kim Cang, Phật dạy:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thinh cầu ngã,

Thị nhơn hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai”.

Tạm dịch:

“Nếu dùng sắc thấy ta,

Dùng âm thanh cầu ta,

Kẻ ấy hành đạo tà,

Không thể thấy Như Lai”.

Như Lai không phải thân ba mươi hai tướng tốt, cũng chẳng phải âm vang thuyết pháp từ kim khẩu Đức Phật nói ra, mà là Như Lai pháp thân tự tánh hằng hữu trong mỗi chúng ta. Tất cả chúng sanh đều có pháp thân thanh tịnh bất sanh bất diệt, do vô minh che lấp mà chẳng thể nhận ra. Người nào chạy theo âm thanh, sắc tướng bên ngoài mà cầu thì không thể thấy được pháp thân thường trụ của Như Lai.

Nói về Đức Phật lịch sử, Ngài là con người có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cuộc đời ngài được kết tinh bởi những chất liệu của chân - thiện - mỹ từ dung nghi cho đến nhân cách vĩ đại. Theo truyền thuyết, khi Đức Phật đản sanh từ hông phải của Hoàng hậu Mada, chân đi bảy bước có bảy hoa sen nâng gót, hào quang chiếu sáng khắp tam thiên đại thiên thế giới, chư Thiên trỗi nhạc trời chúc tụng, rải hoa thơm cúng dường..., tạo nên một huyền thoại đản sanh, nâng Đức Phật lên mức cao quý tột cùng, thiết nghĩ cũng chưa đủ để xưng tán hết công hạnh của Ngài trong suốt tám mươi năm hiện hữu trên thế gian. Một người sanh ra, nếu không làm được lợi ích gì cho ai, hoặc không có cống hiến lớn gì cho nhân loại thì chẳng ai thêu dệt hoặc ca ngợi gì về lịch sử của họ. Ở Trung Quốc, nếu có bậc Minh quân ra đời, người ta nói rằng nước sông Hoàng Hà trở nên trong vắt. Hoặc có Thánh nhân xuất hiện, trong nhà sẽ tỏa mùi hương và hào quang chiếu sáng một vùng. Những truyền thuyết đó nhằm tô đậm thêm nhân cách cao quý của những bậc có công với quốc gia dân tộc, hoặc có những cống hiến lớn cho nhân loại, cũng không có gì là quá đáng. Các bậc vĩ nhân còn thế, huống nữa Đức Phật là một vị Bồ tát nhất sanh bổ xứ, xuất hiện nơi đời để mang lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người, là một nhân cách vĩ đại, tự tại vô nhiễm giữa dòng đời, một bậc Đạo Sư dẫn đường cho chúng sanh lìa bờ mê qua bến giác.

Tuy sống trong nhung lụa êm ấm, ở ngôi vị Thái tử sắp kế nghiệp vua cha, nhưng Ngài từ bỏ tất cả ngai vàng quyền uy, vợ đẹp con xinh, xuất gia tìm đường giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, mở ra con đường chân lí giúp chúng sanh thoát khổ. Tự mình dấn thân vào con đường tìm đạo, vượt bao gian nan khó nhọc, lìa bỏ hai cực đoan hưởng thụ ngũ dục, đam mê dục lạc làm chậm trễ tiến bộ đời sống tâm linh và khổ hạnh ép xác làm tinh thần u ám, không có lợi cho sự tu tập. Ngài đi theo con đường trung đạo, tự nỗ lực thiền định, đến đêm thứ bốn mươi chín, khi sao mai vừa mọc, hoát nhiên đại ngộ, thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ đó, Ngài bắt đầu chuyển pháp luân ròng rã suốt bốn mươi chín năm hoằng hóa lợi sinh, cho đến tám mươi tuổi, thị hiện niết bàn dưới hai cội Sala trong tư thế kiết tường. Như vậy, từ lúc thị hiện đản sanh cho đến khi niết bàn thị tịch, cả cuộc đời Đức Phật đều rất đẹp, rất vi diệu, xứng đáng là bậc “Thiên nhơn chi Đạo Sư, tứ sanh chi Từ Phụ”, là tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.

Tại Ấn Độ, thái tử Sĩ-đạt-ta từ bỏ địa vị Đông cung xuất gia tu hành thành Phật, ở Việt Nam cũng có một vị vua là Trần Nhân Tông, sau hai lần đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược, mang lại thái bình thịnh trị cho đất nước Đại Việt, Ngài đã từ bỏ ngai vàng, xem như đôi dép rách, một mình chống gậy trúc lên núi Yên Tử tu hành ngộ đạo, khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mang đậm bản sắc Phật giáo của người dân Việt. Đây là điều đáng cho chúng ta tự hào với Phật giáo các nước bạn trên thế giới. Chư Phật, chư Tổ đối với giàu sang, quyền uy tột bực còn chối bỏ, quý cầu sự giải thoát tối thượng thì chúng ta há lại đam mê chấp trước sao? Đạo Phật mang một giá trị siêu xuất, vượt ngoài những thú vui thường tình nhưng không tách rời cuộc sống thế tục, mà “hòa quang đồng trần”, làm lợi ích cho quần sanh. Năm 2010, Việt Nam chúng ta kỷ niệm sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu một sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của dân tộc Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam. Đây là dịp thể hiện các hoạt động mang bản sắc văn hóa Phật giáo truyền thống của dân tộc, là cơ hội xác định sự hòa nhập giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Đây cũng là đại lễ uống nước nhớ nguồn, ôn lại những truyền thống văn hóa của đất nước ta trải qua hàng nghìn năm văn hiến. Qua đó, cũng khẳng định sự đồng hành giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Giáo lý mà Đức Phật đã tuyên thuyết là một nền giáo lý đầy minh triết và nhân bản. Các tôn giáo khác đặt Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa, Đấng Giáo Chủ là tối cao nhất, có quyền ban phước giáng họa cho bất kì ai. Còn Đạo Phật lấy con người làm trung tâm của vũ trụ, tự quyết định cho số phận của mình theo sự vận hành của luật nhân quả nghiệp báo, hoàn toàn tự mình gieo nhân để thọ quả vui hoặc khổ, không phó thác số mệnh do trời định. Cũng không vị giáo chủ nào cao thượng đến mức nâng tín đồ lên ngang hàng với mình: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, hoặc “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đức Phật không tự thiết lập cho Ngài một quyền lực gì, và Đạo Phật cũng không có giáo quyền, binh quyền nên chưa từng có một cuộc Thánh chiến nào mang danh Đức Phật để tiến hành những cuộc chiến đẫm máu trong lịch sử nhân loại. Nếu gặp thời pháp nạn, chỉ áp dụng theo tinh thần bất bạo động, không khuyến khích tín đồ đứng lên cầm vũ khí đấu tranh. Chính vì thế, Phật giáo được Liên Hiệp Quốc công nhận là tôn giáo văn hóa thế giới, vì mục đích mang lại hòa bình cho toàn cầu, và ngày Phật Đản cũng được xem là ngày lễ hội văn hóa thế giới, đó cũng là điều xứng đáng.

Kinh Pháp Cú 387 ghi:

“Mặt trời sáng ban ngày,

Mặt trăng sáng ban đêm,

Khí giới sáng Sát lợi,

Thiền định sáng Phạm chí,

Còn hào quang Đức Phật,

Chói sáng cả ngày đêm”.

Ban ngày chúng ta sống nhờ ánh sáng mặt trời. Theo khoa học, mặt trời chỉ chiếu sáng nửa vòng trái đất gọi là ban ngày, nửa vòng trái đất kia mặt trời không chiếu tới được, gọi là ban đêm. Sự chiếu sáng của mặt trời, mặt trăng còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Dòng vua chúa uy quyền thể hiện nơi binh quyền khí giới, có quyền sinh sát trong tay, nên khí giới làm sáng dòng Sát-đế-lợi. Các vị Phạm chí nhờ thiền định mà tâm được an, tăng trưởng đạo hạnh, được kính trọng nhờ năng lực công phu thiền tập. Chỉ có hào quang của Đức Phật chiếu sáng xuyên suốt cả không gian và thời gian. Cái thấy của Ngài bằng trí tuệ bát nhã soi sáng cùng khắp pháp giới, không có hạn chừng. Toàn thể vũ trụ vạn hữu đều nằm trong ánh sáng giác ngộ của Phật. Ngài là đấng tối tôn tối thắng nhất, với trí tuệ siêu việt và hạnh đức từ bi cao thượng, dù có xưng dương đến đâu cũng không thể tán thán hết được. Chúng ta là đệ tử của Ngài, phải cố gắng nỗ lực tiến tu, để không cô phụ lòng từ Đức Phật đã chỉ dạy.

Nhân ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ, chúng ta kỷ niệm sự xuất hiện hy hữu của Ngài trên cuộc đời, ôn lại những điểm sáng để học tập noi theo. Chúng ta hôm nay được làm người, gần gũi ngôi Tam Bảo, nghe hiểu Phật Pháp, đây là điều hạnh phúc hiếm có trên cuộc đời này mà không phải chúng sanh nào cũng có được. Hiểu như vậy, chúng ta phải trân quý từng tấc bóng thời gian mà học đạo tu tập để đời sống chúng ta luôn nằm trong ánh giác của chư Phật, chuyển hóa cuộc đời bớt khổ được vui.

No comments:

Post a Comment