Wednesday, February 9, 2011

Tieu Su Hoa Thuong Thien Duyen, TP Tam Ky, Tinh Quang Nam, Viet Nam

    Hòa thượng Thích Thiện Duyên, thế danh Võ Đình Như, sinh ngày 20/10/1926 tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ngài là con thứ 3 của cụ ông Võ Toản pháp danh Nhựt Hoàn và cụ Bà Đặng Thị Chức pháp danh Diệu Phát, cả gia đình đều là những Phật tử thuần thành.

   
Thuở nhở, Ngài được bà nội dẫn đến chùa trong làng lễ Phật tụng kinh vào Rằm, mồng một. Sau đó, với túc duyên nhiều đời nên Ngài gặp Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hòa từ chùa Trà Can, Tháp Chàm - Phan Rang về tổ chức lễ truyền Tam Quy Ngũ giới tại chùa Tịnh An, Phù Cát, Bình Định. Ngài thọ Tam quy Ngũ giới trong dịp này.
Năm 15 tuổi, cơ duyên thuần tục, lòng cảm mến Phật Pháp dâng cao, Ngài dõng mãnh phát tâm xuất gia và được sự chấp thuận của song thân, năm 1941 Ngài rời gia đình đến đầu sư nơi Hòa thượng Giáo thọ Thích Quảng Đức chùa Tịnh An, mong được suốt đời học tập và hầu hạ để đền đáp công ơn khai thị. Nào ngờ đâu, chỉ mới 5 năm Hòa thượng giáo thọ chích lý Tây quy, cao đăng thượng phẩm. “Sự tử như sự sinh”, Ngài ở lại Tịnh An 4 năm để thù ân báo đáp.
Thời gian thấm thóat trôi qua, lúc này ngài đã 24 tuổi, ngẫm đời vô thường, xót mình giáo pháp chưa thấm, thầy hướng dẫn lại không, do đó Ngài quyết định khăn gói lên đường đến xã An Nhơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định cầu thầy làm Hòa thượng hầu được chỉ dạy chỗ đến đi. Được biết, Đại lão Hòa thượng Thượng Giác hạ Tánh, viện chủ tổ đình Hưng Long, trong là một trong những ngọn Hải Đăng của tỉnh thời bấy giờ, Ngài bằng cầu thọ Pháp, xin làm đệ tử và được Đại Lão Hòa thượng Hưng Long đổi pháp danh là Quảng Thành. Sau một năm hầu thầy, học đạo, Ngài được bổn sư cho thọ giới Sadi với pháp hiệu là Thiện Duyên.
Ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Đại Sư, lúc này khí thế học Phật bừng dậy từ Bắc chí Nam, các Phật Học Viện mở ra cùng khắp. Năm 1953 Phật Học Đường Nha Trang thành lập, Ngài được Hòa thượng cho vào học tập tại đây. Năm 1956 Phật Học Đường Báo Quốc - Huế chuyển vào Nha Trang và nhập cùng với Phật Học Đường Nha Trang thành Phật Học Viện Trung Phần đặt tại chùa Hải Đức, do cố Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện và quý Hòa thượng giáo thọ như Thiện Siêu, Huyền Quang, Thiện Minh...chương trình học lúc bấy giờ là chương trình cao đẳng tương đương với chương trình Học Viện Phật giáo Việt Nam bây giờ. Ngài là Tăng sinh khóa này, bạn đồng học của Ngài nay còn lại như Hòa thượng Thích Thiện Bình (Nha Trang), Hòa thượng Thích Đức Chơn, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (Huế),...
Năm 1957, Ngài được bổn sư cho thọ đại giới và ban cho Pháp hiệu là Quán Ngôn. Đại giới đàn này, do Hòa thượng Giám viện tổ chức và Hòa thượng Thích Giác Nhiên (đệ nhị Tăng thống GHPGVNTN) làm Đường đầu Hòa thượng.
Là một trong những Tăng sinh sáng giá của Phật Học Viện Hải Đức, Ngài được Giáo hội Phật giáo Trung Phần bổ nhiệm làm giảng sư trong giảng sư đoàn miền Trung. Trong thời gian này, Ngài đã đi giảng thuyết giáo lý khắp các tỉnh thuộc Trung phần như Nha Trang, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Phú Yên, Quảng Ngãi và nhất là Quảng Nam. Tại Quảng Nam, Ngài đã không quản gian lao, vượt thác trèo đèo đến tận các vùng trung du hẻo lánh như Hiệp Đức, Hậu Đức, Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc,...cho đến các vùng đồng bằng ven biển như Tam Hải (Núi Thành), Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình),... trong thời gian hoằng pháp tại Quảng Nam (1958-1969) Ngài thường ở tại các trú xứ Pháp Bảo (Hội An), Hòa An (Tam Kỳ),...
Năm 1962, tỉnh Quảng Nam được chia thành 2 đơn vị là tỉnh Quảng Tín và Quảng Nam. Cuối năm 1962, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Tín được thành lập. Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Trung phần bổ nhiệm Ngài làm Hội trưởng, trụ sở tạm thời đặt tại Hội quán chùa Hoà An do cố Hoà thượng Thích Từ Ý làm trụ trì.
Năm 1963, pháp nạn bùng nổ, Ngài đã cùng Chư Tăng Ni trong tỉnh chung lưng đấu cật bảo vệ đạo Pháp, đem lại an bình cho Phật giáo địa phương.
Ngày 01/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, Pháp nạn tạm qua, sự sinh hoạt tu học của Tăng Ni trong tỉnh dần dần đi vào ổn định. Xét thấy Giáo hội tỉnh nhà chưa có một cơ sở Tỉnh hội để làm việc, Ngài đã xin mãnh đất tại thôn Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương (nay là phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ) để làm trụ sở Tỉnh hội. Ngôi chùa này Tỉnh hội này, do Ngài chủ trì xây dựng khởi công vào ngày 17/11/1963 do Hoà thượng Thích Đôn Hậu chứng minh lễ đặt đá, đến năm 1965 công tác xây dựng trụ sở Tỉnh Giáo hội tạm hoàn thành, đặt tên là chùa Đạo Nguyên.
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Ngài được Viện Hoá Đạo cử làm chánh đại diện tỉnh Quảng Tín cho đến ngày thống nhất đất nước (1975). Trong thời gian này, ngoài việc chăm lo công tác hành chánh của Giáo hội, Ngài còn chú trọng đến việc giảng dạy Kinh Luật Luận cho Tăng Ni trẻ. Ngài đã cùng với Hoà thượng Thích Chơn Ngộ, cố Hoà thượng Thích Từ Ý tổ chức an cư kiết hạ, các lớp học bồi dưỡng Phật Pháp cho Tăng Ni. Ngài tuy trú tại Tam Kỳ nhưng vẫn là giảng viên căn bản của Phật Học Viện tại Đà Nẵng cũng như Trường cơ bản Phật học Quảng Nam - Đà Nẵng về sau.
Năm 1977, tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Đà Nẵng sát nhập làm một, Chư Tăng Ni 3 tỉnh họp lại thành lập Ban đại diện Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, Ngài giữ chức vụ phó đại diện tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được tổ chức và Ngài được Đại hội cử làm Phó Thường trực Ban Trị Sự mãi cho đến ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1996), đồng thời là Uỷ viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN. Sau khi chi tách tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chánh là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Trung ương Giáo hội đã giao nhiệm vụ cho Ngài làm trưởng ban vận động thành lập Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam. Nhờ nhiệt tâm vì đạo Pháp và đức tính khiêm hạ của mình, Ngài đã tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất thành tựu tốt đẹp. Tại đại hội lần này, Ngài được bầu làm Trưởng Ban Trị Sự, đồng thời là Trưởng Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung ương GHPGVN. Sau khi thành lập Tỉnh hội, Ngài liền thúc đẩy thành lập Trường cơ bản Phật học Quảng Nam (nay là Cao Trung Phật học Quảng Nam) và tổ chức Đại Giới đàn vào những năm 2000, 2004 để truyền trao giới cho Tăng Ni sinh ngõ hầu giúp họ có cơ hội tiến thủ.
Về phương diện Giới luật, là một Tăng sĩ tinh thông học giới, Ngài luôn lấy Giới làm trọng, với tích cực phát huy vai trò hàng đầu của Giới luật. Vì thế, Ngài thường được các nơi cung thỉnh tham gia công tác truyền giới hoằng luật như: Trong các trú xứ an cư kiết hạ của Chư Tăng địa phương, Ngài thường làm Giáo thọ, làm dẫn thỉnh sư Đại Giới Đàn Vĩnh Gia (Đà Nẵng, 1970), Ban khảo hoạch Đại Giới đàn Thiện Hoà (Sài Gòn, 1980), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới đàn Phước Huệ (Đà Nẵng, 1996), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới Đàn Tịnh Khiết (Huế - 2000), đàn đầu Hoà thượng Đại Giới đàn Minh Giác (Quảng Nam, 2000),Yết Ma A Xà Lê Đại Giới đàn Chánh Nhơn (Bình Định, 2000) và đàn đầu Hoà thượng Đại giới đàn Ân Triêm (Quảng Nam, 2004), Chứng Minh Đại Giới Đàn Trí Thủ (Đà Nẵng, 2008)..
Có thể nói, dù bất cứ lĩnh vực nào, thời kỳ nào Hoà thượng luôn là người hết mình cho công việc. Ngài luôn đặt sự tồn vong của đạo pháp lên hàng đầu, xem Giáo dục Tăng Ni là nền tảng của sự phát triển đạo Pháp, xem Giới luật là giềng mối của sự lớn mạnh Tăng già, Ngài là tấm gương về sự tận tuỵ, khiêm hạ, đạm bạc xứng đáng cho hàng hậu tấn noi theo ./.

ĐỆ TỬ - THÍCH VIEN TANH CẨN BÚT.

Friday, February 4, 2011

Hanh phuc giua cai chet

    Cái chết không phải mất mát lớn trong cuộc đời. Mất mát lớn nhất là cái chết của những mối quan hệ bên cạnh chúng ta trong khi chúng ta hiện đang sống.

    Nhân mùa Phật Đản, Phật lịch 2551 của Đại thừa Phật giáo, cũng như lễ Tam hợp của Đức Thế Tôn theo Nam truyền Phật giáo (Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn), viết theo Anh ngữ: (Commemoration of 2551th Aniversary of Mahaparinirvana of Lord Buddha). Người viết đi giã ngoại, tham quan thánh địa Chamba(campa) tỉnh Punjab, ban Himachal Pradesh, Ấn Độ, tình cờ gặp tờ báo Himachal Pradesh toàn chữ Hindi, ra ngày 25 tháng 5 năm 2007, là thứ tiếng Ấn Độ, nhưng có một câu duy nhất viết bằng Anh ngữ, đăng trên trang đầu tờ báo:

“Death is not the greatest loss in life. The greatest loss is the death of relationships inside us while we are live”.

Nay mùa An cư của chư Tăng, chúng tôi xin gởi đến quí vị Phật tử ý nghĩa câu viết này, người viết lấy tiêu đề “Hạnh phúc giữa cái chết”.

Thưa, câu trên tạm dịch: Cái chết không phải mất mát lớn trong cuộc đời. Mất mát lớn nhất là cái chết của những mối quan hệ bên cạnh chúng ta trong khi chúng ta hiện đang sống.

Xin giải thích thêm:

Chết là gì? Thông thường theo người đời, chết là sự trút hơi thở của một con người để về cảnh giới khác. Nhưng theo Phật giáo, chết là diễn biến tương tục từng sát na không lúc nào ngừng, như chúng ta đang sống, sự tuần hoàn của tế bào máu thay đổi, sanh diệt liên tục. Theo câu trên, chết có ý nghĩa là chúng ta đang sống mất hết mọi quan hệ bên cạnh cuộc sống chung quanh chúng ta thì cũng coi như đã chết. Chết có nhiều tên gọi, đối với bậc trưởng lão Phật giáo gọi là xả báo an tường thâu thần Thị tịch, Viên tịch.Vua chúa gọi là băng hà, đối với người thường gọi là qua đời. quá vãng, vãng sanh…, còn đối với chiến sĩ chết gọi là Tử trận. Người chết nước gọi là Trầm nịch….

Hạnh phúc là như thế nào? Một quyển sách của Ngài LatLaiLatMa người Tây Tạng, lấy tựa đề “Sống hạnh phúc, chết bình an”. Nghĩa là chúng ta sống có tu tập, làm cho thân tâm chúng ta an lạc, gia đình bình an và xã hội an hòa thì chúng ta đã chuẩn bị cái chết trong tương lai không có điều gì sợ hãi và khiếp đảm cả. Có một Phật tử hỏi Thiền sư: “Con quá đau khổ trong cuộc đời vì gặp mọi hoàn cảnh không thể sống nổi. Thưa Thiền sư! Làm thế nào để con có được hạnh phúc?” Thiền sư trả lời: “Ông Tổ chết, Ông nội chết, cha chết, con chết… như vậy là hạnh phúc”. Người Phật tử rất hoảng sợ. Mình đã mang nghiệp duyên gi đây lại chịu nhiều nỗi đau khổ thế, đến vị Thiền sư cho một câu có nhiều chữ “Chết”, khiến con người mình càng thống khổ thêm. Nhưng về sau, Phật tử đó lại “Giác Ngộ” được câu nói của vị Thiền sư, nghĩ ra rằng vị Thiền sư nói đúng. Sống theo thứ lớp, chết cũng theo thứ tự, không bị chết một cách oan ức, oan uổng cuộc đời thì đó là hạnh phúc.

Trong cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc cho những ai may mắn đi trọn đường đời, khi xả báo thân an vui tự tại, an lạc trước sự ra đi của người thân, từ giả cuộc đời, về cõi vĩnh hằng để tìm cuộc sống mới. Chúng ta làm thế nào để người thân hiểu được nỗi mất mát lớn trong gia đình khi có người đang mất?. Thật bất hạnh thay! Cho những ai nghiệp cảm chồng chất nhiều đời, tham ái chấp thủ, nhân duyên ràng buộc, khi họ đang sống mang nhiều tật nguyền, bệnh tật khó điều trị, sự sống đè nặng lên trên cái chết (sống cũng như chết). Thế mà họ vẫn yêu cuộc sống của họ và chấp nhận cay đắng cho kiếp người. Hay bất chợt vì thời tiết trái gió trở trời lại bị bệnh trúng phong, trúng độc, thổ tả…qua đời. Có người vì tình duyên trắc trở, gia đình không hạnh phúc, có lúc quyên sinh, trầm mình dưới dòng nước lạnh… để lại mất mát lớn và nỗi oan nghiệt cho người thân, hoặc tai nạn, chiến tranh… bỏ thân ra đi từ giã cuộc đời mình đang sống. Như trong kinh Dược Sư diễn tả 9 cái chết không cứu được là vậy.

Những mất mát trên, chưa gọi là mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự ra đi không tìm lại được, cái lớn nhất trong cuộc đời con người là sự hủy diệt của thân và tâm, thay đổi trong từng sát na, biến đổi từng dây từng phút. Và lớn hơn nữa, trong môi trường sống, mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội là sự gắn bó thân thiết, tạo niềm tin thiết thực trong cuộc sống. Nếu chúng ta không hiểu được ý nghĩa lời nói trên lại là nỗi khó khăn trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta bị màn Vô minh của Tam độc: tham, sân, si chấp thủ, luôn trói chặt mọi hoàn cảnh sống của chúng ta, khiến không đón nhận tình thương yêu của tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỉ và tâm Xả của Phật giáo. Chúng ta cũng hiểu rằng: loài thú cũng biết bảo vệ đồng bọn, lại chống cự với kẻ thù tấn công, hay có những con vật kêu rên xiết, treo mình theo bạn bè đã chết.

Như thế, chúng ta không hiểu hạnh phúc giữa cái chết, phải chăng chúng ta đánh mất hết những mối quan hệ giữa người thân gia đình, tập thể và mọi hoàn cảnh xã hội trong mội trường sống của chúng ta hiện đang sống thì chúng ta sống cũng xem như đã chết.

Mùa An cư kiết hạ của chư Tăng, cũng như mùa Báo Hiếu sắp trở về, người viết gởi đến quí vị Phật tử giá trị của câu nói trên để chúng ta nhận chân được mọi hoàn cảnh sống tác động vào bản thân, gia đình và xã hội làm cho tâm chúng ta thêm vững mạnh, trí tuệ khai mở đón nhận vòng tay yêu thương rộng mở của tình yêu thương cuộc đời trong mọi hoàn cảnh sống chúng ta. Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ khắp pháp giới chúng sanh thân tâm thường lạc, hưởng một mùa Vu Lan tràn đầy niềm HIẾU HẠNH.

Mùa An cư kiết Hạ, Phật lich: 2551, dương lịch 2007. Viết tại Đạo tràng An cư kiết Hạ của chư Tăng sinh viên Việt Nam, Chùa Đài Loan, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.

Kính bút

TK Thích Viên Tánh