Tuesday, December 7, 2010

Nguyen Hanh



NGUYỆN

Người tu học đã có sức mạnh của lòng tin như thế rồi, thì hiểu rằng : Cõi Ta Bà ô uế này là do tâm tính mình ô uế tạo ra. Lý ưng mình phải chán bỏ nó. Cõi Cực Lạc trong sạch kia là do tâm tính mình trong sạch tạo ra nó. Lý ưng mình phải mong cầu lấy nó.
Mình đã chán ô uế thì nên bỏ, mà đã bỏ thì phải bỏ cho thật rốt ráo, không còn phải bỏ đi bỏ lại nữa. Mình đã thích trong sạch thì nên lấy, mà đã lấy cũng nên lấy cho thật rốt ráo, không còn phải lấy đi lấy lại nữa. Sách Diệu Tông nói : Người nào đã bỏ hết rồi, đã lấy hết rồi, tức là người không còn phải bỏ, phải lấy gì nữa. Nếu ai chẳng làm trọn hết cái việc lấy , bỏ, mà đã vội nói rằng tôi chẳng lấy, chẳng bỏ gì cả. Thế là người chỉ nói lý suông mà chẳng chịu làm cho xong phận sự. Phần Sự đã chẳng chịu làm cho xong thì phần Lý cũng chẳng được trọn vẹn.
Nếu mình đã hiểu thấu được hoàn toàn Sự ấy tức là Lý ấy , thời mình chỉ nguyện lấy sự này, tức là đúng lý mà lấy, và mình chỉ nguyện bỏ sự kia, cũng là đúng lý mà bỏ. Một khi bỏ, một khi lấy, chỉ là bỏ pháp giới này, lấy pháp giới kia mà thôi. Và đều đúng lý cả.
Cho nên sau khi có tâm tín rồi, thì phải phát nguyện cho rõ ràng. (nguyện bỏ cõi Ta Bà, nguyện lấy nước Cực Lạc).

HÀNH
Bây giờ nói đến hành. Là người chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn, tức là người niệm danh hiệu Phật để cho Tâm mình đậu vào một chỗ, chẳng bị rối loạn.
Niệm danh hiệu Phật tức là niệm công đức Phật. Công đức của Phật chẳng khá nghĩ bàn (vì trí tuệ mình thấp kém quá, nghĩ bàn sao được)
Danh hiệu của Phật và công đức của Phật đều chẳng thể nghĩ bàn, cho nên người niệm danh hiệu Phật mà tâm tán loạn cũng đã tạo được hột giống thành Phật mai sau. Còn người niệm Phật nhất tâm bất loạn thì sẽ được lên ngay ngôi Bồ Tát bất thối.
Các kinh nói về phép tu Tịnh Độ rất nhiều, có nghìn vạn phép khác nhau, như là những phép ngồi quán tưởng Phật, và các phép lễ bái, cúng dường, ngũ hối, lục niệm v.v…Trong các phép ấy, tu được phép nào cũng được sinh về Tịnh Độ.
Duy chỉ có một phép “Trì danh” là phép niệm Phật thu được hết mọi hạng người, ai tu cũng được và ai bắt tay vào tu cũng thấy rất dễ. Cho nên không ai hỏi mà Đức Thích Ca tự nói ra kinh này. Ngài đặc biệt hướng vào ông Xá Lợi Phất là người đại trí tuệ mà nói cho nghe. Đủ biết phép này là một phép liễu nghĩa vô thượng, rút ra ở trong các phép liễu nghĩa đệ nhất, và là một phép tối cực viên đốn, rút ra trong các phép viên đốn. Cho nên nói rằng “Ngọc minh châu bỏ vào nước đục, nước đục tất phải trong” . Danh hiệu Phật gieo vào cái tâm rối loạn , tâm rối loạn tất phải định, phải thành Phật.
Cái tâm tín và nguyện với cái việc trì danh ở kinh này là cái mầm nhân chân thực của Đạo Nhất Thừa , nó sẽ tạo ra cái quả màu nhiệm của Đạo Nhất Thừa, tức là bốn cõi Tịnh Độ. Gây được nhân , thời quả tất phải theo nhân mà mọc ra. Cho nên dùng cái tâm tín và nguyện với việc trì danh làm tôn chỉ chính đáng của bộ kinh này.
Còn tướng trạng của bốn cõi Tịnh Độ, ở bộ Diệu Tôn Sao và kinh Phạm Võng Huyền Nghĩa đã nói rất tường tận.