Thursday, May 27, 2010

Vấn đề giảng dạy trong gia đình Phật tử

Trong xu thế hiện nay, vấn đề giáo dục được đưa lên hàng đầu. Không một thể chế chính trị nào, một quốc gia nào có thể ngoảnh mặt với việc giáo dục. Gia đình Phật tử (GĐPT) là một đoàn thể có truyền thống giáo dục hơn nửa thế kỷ nay. Lấy nền tảng giáo lý Phật đà, GĐPT luôn nêu cao việc giáo dục người đoàn viên áo lam thành Phật tử chân chính. Điều đó được khẳng định ngay trong mục đích của tổ chức. Xin không bàn nhiều đến vấn đề giáo dục trong GĐPT. Người viết chỉ có một mong muốn nhỏ qua bài này, những thành viên Ngành Thanh – đội dự bị của huynh trưởng – sẽ nhìn lại thực tiễn một khía cạnh trong việc giáo dục của GĐPT: vấn đề giảng dạy.
Hơn năm mươi năm qua, bao lớp lớp thế hệ tiền nhân đã dày công vun đắp cho tổ chức áo lam chúng ta ngày càng vững mạnh. Việc giảng dạy trong GĐPT luôn luôn được đề cao và kết quả là nhiều quý anh chị đã có được một trình độ uyên thâm về Phật học, nhạy bén về chuyên môn, tháo vát trong mọi công việc. Không thể nói khác hơn, chính môi trường GĐPT đã rèn luyện con người toàn diện theo một đặc thù khác hẳn lối truyền đạt của nhà trường khuôn mẫu.
Khung cảnh tạo nên một “lớp học” trong GĐPT không phải là một “lớp học” tù túng trong bốn bức tường với những bàn – ghế – phấn – bảng và sự nghiêm nghị của người dạy. Cái gọi là “lớp học” trong GĐPT nhẹ nhàng hơn nhiều, phóng khoáng hơn nhiều nhưng vẫn bảo đảm mức độ “truyền – nhận tin” đầy đủ nơi cả người dạy lẫn người học. Không cố tạo ra một hình ảnh lớp học thứ hai cho các em, GĐPT bước đầu đã chinh phục các em trong tư thế của người “đi học”. Có thể vì thế, bài học trong GĐPT càng thú vị hơn, càng khắc sâu hơn? Vâng! Còn gì bằng khi học một bài học về cỏ cây thiên nhiên, ước đạc chiều dài một con suối, các em được mục kích tại chỗ bài học thực tiễn trực tiếp ngay bên mình. Học về lịch sử một ngôi chùa nào đấy, các em được nghe tận tai, thấy tận mắt cái “vật thể” mà mình cần học, dù có dùng trăm ngàn thứ để diễn đạt vẫn không bằng một thực tế trực quan! Vả lại, cái vòng tròn kết nối các em với nhau, tạo nên một không khí thân mật, ấm cúng. Các em khăng khít nhau hơn trong việc học. Vòng tròn GĐPT đã xoá bỏ cái khoảng cách giữa người dạy và người học, mà ở nhà trường, người ta lại muốn cái khoảng cách ấy càng phải xác định rõ ràng hơn. Khung cảnh “lớp học” trong GĐPT làm chất keo kết dính lại những thành viên trong nó.
Bài học trong GĐPT không nặng hình thức như một bài học mang tính cách “giáo khoa”, cứng nhắc. Nó là cái gì đó hết sức linh động, tuỳ theo sức của người học mà uyển chuyển để thay đổi cho thích hợp. Chúng ta biết “tuỳ duyên” nên có thể “tuỳ căn cơ” của các em mà khai thị. Người dạy có thể dùng những phương pháp gần gũi nhất, dễ hiểu nhất làm thế nào bảo đảm được bài học trọn vẹn đi vào được tâm não các em. Đó chính là điều thú vị cho người học trong GĐPT. Dưới một lớp học nhà trường thì khác.
Và vài năm gần đây, chúng ta nghe thấy đây đó, người ta đang cải cách phương pháp giảng dạy trong nhà trường. Tận dụng tối đa những phương pháp trực quan để người học dễ lĩnh hội bài học một cách rốt ráo nhất. Người ta bắt đầu đưa các em vào một vòng tròn, thay vì “nhốt” các em trong bốn bức tường như xưa kia. Bài học không chỉ được dạy trên bục giảng mà nó tiến dần ra ngoài thiên nhiên. Chơi giữa giờ học được khai thác nhiều hơn … “vòng tròn có một cái tâm …” sẽ cho các em không khí tương tự như GĐPT đã làm từ hơn năm thập kỷ qua.
Phương pháp giảng dạy mới hiện nay là lấy người học làm trung tâm. Người dạy chỉ đặt vấn đề, chỉ là người gợi ý cho người học phát biểu ý kiến, cùng nhau xây dựng bài học. Không còn tình trạng người dạy đọc, người học chép. Và vì nó là phương pháp mới nên không dễ gì ngày một ngày hai mà người ta thích ứng ngay được.
Nhưng chính môi trường Áo Lam của chúng ta, vấn đề lấy người học làm trung tâm đã thật sự thực hiện từ thuở nào rồi! Chúng ta biết, giáo dục trong GĐPT là phải tuỳ duyên, tuỳ căn cơ của đoàn sinh mà đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Phải lấy đoàn sinh làm trung tâm cho bài học. Đó chẳng phải là phương pháp mà người ta hôm nay mới nghiệm ra và đưa vào thực hiện? Vậy thì tại sao lại không phát huy tính tích cực của phương pháp này để tiếp tục đưa các em đến với Đạo? Chính bản thân người viết chứng kiến, ở nhiều nơi, hiện tượng lớp học thứ hai đã xuất hiện trong giờ học của GĐPT. Không khí học của các em được chúng ta thu hẹp vào bốn bức tường như kiểu học đường. Các em đã có năm ngày gò bó trong lớp học tại trường, vậy sao không thổi vào luồng khí mà các em cảm thấy mới lạ trong GĐPT?
Một sự thật cần nhìn nhận là trình độ của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, dẫu biết rằng sự nhiệt tình có thừa! Nói đến trình độ của người dạy thì phải hiểu ở hai khía cạnh: nội điển và ngoại điển. Ngoài hai khía cạnh đó, người dạy đang khoác áo lam như chúng ta còn cần thêm một điều kiện quan trọng nữa là: sự thực chứng, tức là sự chứng nghiệm một lý thuyết nào đó đã thông qua thực hành, từng trải của bản thân.
Trình độ người dạy cần phải nâng cao liên tục. Đối với nội điển, người dạy phải ý thức được việc học và nghiên cứu Phật Pháp là công việc lâu dài và thường xuyên. Về ngoại điển, ngoài chuyên môn nghiệp vụ mà mình tiếp thu từ nghề nghiệp của mình, chúng ta cũng cần đưa tầm nhìn của mình sang các lĩnh vực khác, chuyên môn nghiệp vụ khác. Vấn đề hiểu biết xã hội cũng là vấn đề cần nêu ra đây. Người dạy không thể nào chỉ nói theo sách vở. Nếu có sự liên hệ với xã hội bên ngoài vào trong bài dạy của mình, chúng ta sẽ có bước đầu thành công. Vấn đề quan trọng hơn cả là: tâm lý trẻ. Cần hiểu trẻ thì mới thu phục được trẻ.
“Tại sao tạo hoá ban cho con người với hai lỗ tai mà chỉ một cái miệng?”. Tôi nghe lõm bõm đâu đó câu vấn nạn này. Tôi thầm nghĩ, câu nói trên đây nếu người dạy biết đem vào áp dụng trong việc dạy của mình thì chuyện học và giảng dạy trong GĐPT không còn là vấn đề nan giải nữa.
Và sau cùng, chúng ta phải nâng cao trình độ bằng cách thức như thế nào? Xin thưa! Cần tự học! Ngoài những khoá học, bậc học cho huynh trưởng và đoàn sinh, chúng ta cần tự học là chính. Nhưng nguồn tri thức nó ở đâu? Nó ở quanh chúng ta thôi! Vì chúng ta chưa biết cách mở và mở như thế nào những cánh cửa tri thức để nâng cao trình độ mình. Những thư viện kinh sách, những tủ sách, nhà sách mọc lên như nấm trong những năm gần đây đủ cho thấy sự học của chúng ta ngày càng thuận lợi. Với những người thông thạo ít nhiều về vi tính thì học Phật, học Đời qua đĩa (CD-Rom), qua mạng (Internet). Nó là môi trường, là phương tiện, là công cụ không thể thiếu cho những người cần học, biết tự học. Vì có học mới có thể dạy cho người.
Dông dài văn tự để người viết trình bày sơ nét những gì còn tồn đọng trong việc giảng dạy của chúng ta. Biết nhìn vào thực tiễn bằng nhiều hướng, nhiều góc độ để thấy rõ cái gì khiếm khuyết. Phải có cái nhìn như thế để tự đánh giá, tự thẩm định chính mình. Còn các em, những người học, đang cần chúng ta trao truyền ngọn lửa mà các thế hệ đi trước đã thắp sáng. Muốn dạy thì chúng ta cần phải học. Và phải có mười mới dạy các em được một, được hai. Từ những việc tự nâng cao trình độ, hiểu biết và thực chứng của mình, chúng ta còn cần phải hiểu tâm lý trẻ, cần biết tạo không khí giờ học như thế nào để các em còn cần đến chúng ta, còn cần đến GĐPT.
Lưu Ly
Nguon: thienhoa6.tk