Tuesday, December 7, 2010

Nguyen Hanh



NGUYỆN

Người tu học đã có sức mạnh của lòng tin như thế rồi, thì hiểu rằng : Cõi Ta Bà ô uế này là do tâm tính mình ô uế tạo ra. Lý ưng mình phải chán bỏ nó. Cõi Cực Lạc trong sạch kia là do tâm tính mình trong sạch tạo ra nó. Lý ưng mình phải mong cầu lấy nó.
Mình đã chán ô uế thì nên bỏ, mà đã bỏ thì phải bỏ cho thật rốt ráo, không còn phải bỏ đi bỏ lại nữa. Mình đã thích trong sạch thì nên lấy, mà đã lấy cũng nên lấy cho thật rốt ráo, không còn phải lấy đi lấy lại nữa. Sách Diệu Tông nói : Người nào đã bỏ hết rồi, đã lấy hết rồi, tức là người không còn phải bỏ, phải lấy gì nữa. Nếu ai chẳng làm trọn hết cái việc lấy , bỏ, mà đã vội nói rằng tôi chẳng lấy, chẳng bỏ gì cả. Thế là người chỉ nói lý suông mà chẳng chịu làm cho xong phận sự. Phần Sự đã chẳng chịu làm cho xong thì phần Lý cũng chẳng được trọn vẹn.
Nếu mình đã hiểu thấu được hoàn toàn Sự ấy tức là Lý ấy , thời mình chỉ nguyện lấy sự này, tức là đúng lý mà lấy, và mình chỉ nguyện bỏ sự kia, cũng là đúng lý mà bỏ. Một khi bỏ, một khi lấy, chỉ là bỏ pháp giới này, lấy pháp giới kia mà thôi. Và đều đúng lý cả.
Cho nên sau khi có tâm tín rồi, thì phải phát nguyện cho rõ ràng. (nguyện bỏ cõi Ta Bà, nguyện lấy nước Cực Lạc).

HÀNH
Bây giờ nói đến hành. Là người chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn, tức là người niệm danh hiệu Phật để cho Tâm mình đậu vào một chỗ, chẳng bị rối loạn.
Niệm danh hiệu Phật tức là niệm công đức Phật. Công đức của Phật chẳng khá nghĩ bàn (vì trí tuệ mình thấp kém quá, nghĩ bàn sao được)
Danh hiệu của Phật và công đức của Phật đều chẳng thể nghĩ bàn, cho nên người niệm danh hiệu Phật mà tâm tán loạn cũng đã tạo được hột giống thành Phật mai sau. Còn người niệm Phật nhất tâm bất loạn thì sẽ được lên ngay ngôi Bồ Tát bất thối.
Các kinh nói về phép tu Tịnh Độ rất nhiều, có nghìn vạn phép khác nhau, như là những phép ngồi quán tưởng Phật, và các phép lễ bái, cúng dường, ngũ hối, lục niệm v.v…Trong các phép ấy, tu được phép nào cũng được sinh về Tịnh Độ.
Duy chỉ có một phép “Trì danh” là phép niệm Phật thu được hết mọi hạng người, ai tu cũng được và ai bắt tay vào tu cũng thấy rất dễ. Cho nên không ai hỏi mà Đức Thích Ca tự nói ra kinh này. Ngài đặc biệt hướng vào ông Xá Lợi Phất là người đại trí tuệ mà nói cho nghe. Đủ biết phép này là một phép liễu nghĩa vô thượng, rút ra ở trong các phép liễu nghĩa đệ nhất, và là một phép tối cực viên đốn, rút ra trong các phép viên đốn. Cho nên nói rằng “Ngọc minh châu bỏ vào nước đục, nước đục tất phải trong” . Danh hiệu Phật gieo vào cái tâm rối loạn , tâm rối loạn tất phải định, phải thành Phật.
Cái tâm tín và nguyện với cái việc trì danh ở kinh này là cái mầm nhân chân thực của Đạo Nhất Thừa , nó sẽ tạo ra cái quả màu nhiệm của Đạo Nhất Thừa, tức là bốn cõi Tịnh Độ. Gây được nhân , thời quả tất phải theo nhân mà mọc ra. Cho nên dùng cái tâm tín và nguyện với việc trì danh làm tôn chỉ chính đáng của bộ kinh này.
Còn tướng trạng của bốn cõi Tịnh Độ, ở bộ Diệu Tôn Sao và kinh Phạm Võng Huyền Nghĩa đã nói rất tường tận.

Friday, July 9, 2010

Thập loại chúng sinh; theo Hue Tran


Ngoài Truyện Kiều đã quảng bá khắp dân gian, thi hào Nguyễn Du còn là tác giả của một tác phẩm mà không mùa Vu Lan nào không được nhắc đến. Đó là bài “Văn tế thập loại chúng sinh”.
Là người Việt Nam, ít ai không thuộc dăm ba câu trong truyện Kiều, cũng như ít ai không biết tác giả áng văn tuyệt tác viết bằng thể thơ lục bát đó là thi hào Nguyễn Du. Rất nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều tình huống trong truyện Kiều đã trở thành văn học dân gian vì những tâm trạng, những hoàn cảnh đó quá gần gũi với môi trường thực tế trong xã hội, cả thời xưa cho đến ngày nay.
Ngoài Truyện Kiều đã quảng bá khắp dân gian, thi hào Nguyễn Du còn là tác giả của một tác phẩm mà không mùa Vu Lan nào không được nhắc đến. Đó là bài “Văn tế thập loại chúng sinh”.
Tự thân Nguyễn Du đã nhận chịu quá nhiều đau thương buồn tủi từ thuở ấu thơ nên tâm hồn rất nhạy cảm trước nỗi đau nhân thế. Những tác phẩm của tiên sinh thường bàng bạc tinh thần Phật giáo qua luật nhân quả, vòng tử sinh luân hồi, vay trả mà chưa phân minh thì sau khi thác sẽ thành những oan hồn uổng tử, vất vưởng khắp chốn u tối mịt mùng. Những oan hồn đó chỉ trông chờ vào mùa mưa tháng bẩy, chầu chực miếng cơm chén cháo nơi các trai đàn chẩn tế thí thực cho!
Tại sao lại tháng bẩy?
Vì đó là thời điểm Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên phương thức cứu mẹ khỏi chốn địa ngục A-Tỳ. Lòng thành của người con thảo thỉnh cầu Chư Tăng đang tụ hội về trong ngày Tự Tứ, cùng góp lời cầu xin và sám hối, không những đã cứu được bà Thanh Đề khỏi nghiệp gông cùm đói khát, mà cũng trong ngày đó, năng lượng dũng mãnh của Chư Tăng còn lan tỏa, xá tội được cho tất cả bao oan hồn uổng tử vất vưởng chốn u tối ngục hình.
Nhân gian từ đó noi theo, lấy ngày rằm tháng bẩy là ngày Vu Lan báo hiếu, đồng thời lập đàn, bày thực phẩm thí phát cho những oan hồn bơ vơ không ai tế độ. Văn minh nhân loại, hợp cùng y học thực tiễn, dù tinh vi đến đâu cũng chưa thể giải thích thỏa đáng những trường hợp hiển linh, chứng minh về sự cố “Chết, chưa là hết. Chết mà chưa siêu được thì hồn vẫn vất vưởng trong cõi u minh”.
Kinh Pháp Cú có đoạn dạy rằng “kẻ nào không tin luật nhân quả, không tin có sinh tử luân hồi thì không điều ác nào mà kẻ ấy không dám làm” Lời dạy này thật đơn giản, vì nếu không tin làm ác gặp ác, thì cứ việc gì mang lợi tới cho bản thân là làm, dù việc đó gây tai hại cho người khác; Không tin luân hồi sinh tử thì đang có thân người đây, mục đích duy nhất là phục vụ thân này, dù dẫm đạp lên người khác, vì khi chết là hết, can chi phải nương tay, dại gì không tận hưởng!
Thương thay cho những ai lập luận rằng nhân quả và luân hồi vô hình vô tướng, mù mờ quá, lấy gì mà tin! Họ thấy chăng những cái có hình có tướng đang nắm giữ trong tay, cột chặt trong người mà vẫn chớp mắt vuột mất thì lại quyết tin là có thật! Này là bằng hữu tôi, này là tri kỷ tôi, này là vợ, này là chồng tôi, này là những gì quý nhất, bền bỉ nhất của tôi, nhưng tỉnh dậy mà nhìn quanh xem, nhan nhản biết bao cảnh vô thường. Bóng câu chưa khuất ngang khung cửa thì tình đã nhạt, hương đã phai, những cái tưởng của tôi muôn đời, đã lạnh lùng biến dạng, đã là của người khác!
Tình đã thế, tiền thì sao? Này là xe tôi, này là nhà tôi, này là của cải tôi, chỉ cần qua một đêm mộng mị, tình huống ngoài xã hội kia chợt thay đổi khiến tiền cất kỹ trong băng trở thành giấy, ngôi nhà đang ở trở thành nợ nần, không chạy khỏi cho mau sẽ còn mang lụy!
Những gì có hình có tướng, ngỡ đã cất giữ thật chặt, thật kỹ đó, chúng ta vẫn thường đau khổ chứng kiến sự ra đi phù du của chúng. Nhưng lạ thay, dù thấy, dù biết, ta vẫn cố níu kéo cho tới ngày thành ma vất vưởng!
Tiên Sinh Nguyễn Du động lòng trắc ẩn đã dùng ngòi bút lân mẫn mà khóc cho thập loại chúng sinh:
Thập loại là những loại nào,Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh
Nguyễn Du cất tiếng kêu cứu, khóc cho tất cả kiếp nhân sinh khi sống đã buông lung, không sợ nhân quả, lúc thác đi, làm ma côi cút lang thang. Mười loại chúng sinh tiêu biểu trong xã hội, từ vua quan tể tướng, kẻ sỹ, kẻ nông, kẻ già, người trẻ, kẻ thầy, người thợ, nếu thác đi không ai tế tự, đều mòn mỏi đợi mùa tháng bẩy tìm về những trai đàn chẩn tế:
Tiết tháng bẩy mưa dầm sùi sụtToát hơi may lạnh ngắt sương khôNão người thay buổi chiều thuNgàn lau khóm bạc lá ngô đồng vàngĐường bạch dương bóng chiều man mácNgọc đường lê lác đác mưa saLòng nào lòng chẳng thiết thaCõi dương còn thế, nữa là cõi âm!
Những kẻ lúc sống, ngủ vùi trong giấc mộng vô thường, khi thác đi mới chợt tỉnh thì ôi thôi:
Khi nằm xuống không người nhắn nhủCủa phù vân dù có như khôngSống thời tiền chảy, bạc ròngThác không đem được một đồng nào đi!
Khi đó, thân người chẳng có, trí huệ cũng không, bà con quyến thuộc nay đều trở thành người dưng kẻ lạ vì:
Mỗi người một nghiệp khác nhauHồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ!
Nguyễn Du là người từng lắng tâm, tụng đọc kinh Kim Cang hàng ngàn lần để thấu đáo sâu sa lẽ vô thường “Nhất thiết hữu vi pháp. Như mộng huyễn bào ảnh. Như lộ diệc như điển. Ưng tác như thị quán” (*)
Từ đấy, mới rộng lòng xót thương bao kẻ chưa kịp tỉnh giác đã vội thác làm ma, đồng loạt lang thang khổ sở như nhau, chẳng còn chi là giầu nghèo, cao thấp nữa. Nguyễn Du đã nhỏ lệ, cất lời cầu xin bình đẳng cho tất cả:
Hương khói đã không nơi nương tựaPhận mồ côi lần lữa đêm đêmCòn chi ai khá, ai hènCòn chi mà nói ai hiền, ai nguTiết đầu thu dựng đàn giải thoátNước tịnh bình tưới hạt dương chiNương nhờ Đức Phật từ biGiải oan cứu khổ, hồn về Tây Phương
Là con Phật, nếu chúng ta tin, hiểu lời Phật dạy, ta sẽ dễ dàng biết mở rộng cánh cửa từ bi sẵn có trong mỗi trái tim để cùng chia xẻ với ngài A Nan khi thấy Đức Phật dừng lại bên đường và quỳ lạy đống xương khô. Trong đống xương hỗn độn đó, với vòng sinh tử luân hồi chưa từng ngưng dứt, mấy ai dám chắc không có thịt xương ông bà, cha mẹ mình! Sự chiêu cảm giữa đất trời và âm dương chia cách là những thực thể chúng ta từng thấy:
Bóng phần tử xa chừng hương khúcBãi tha ma kẻ dọc người ngangCô hồn nhờ gởi tha phươngGió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng!
Trong niềm bi ai khóc cho lỗi lầm nhân thế, Nguyễn Du cũng không quên những oan hồn trẻ thơ, chưa tội tình gì mà đã thác oan. Những linh hồn bé bỏng, chưa tự lo liệu, chưa biết nghĩ suy, làm sao nơi cõi âm tăm tối mà tìm được hạt cơm, hớp cháo!? Tiếng khóc này của Nguyễn Du mới cực kỳ bi thiết làm sao:
Kìa những đứa tiểu nhi tấm béLỗi giờ sinh, lìa mẹ, lìa chaLấy ai bồng bế xót xaU ơ tiếng khóc, thiết tha nỗi lòng!
Thương thay, bao oan hồn bơ vơ, lầm lũi theo nhau trong đêm tối:
Nghe gà gáy tìm đường ẩn tránhLặn mặt trời lẩn thẩn tìm raLôi thôi bồng trẻ dắt giàCó khôn thiêng cố lại mà nghe kinh
Bằng tất cả niềm tin dũng mãnh nơi năng lượng vô biên, mầu nhiệm của Chư Phật, Nguyễn Du khuyến tấn:
Kiếp phù sinh như bào như ảnhCó chữ rằng: Vạn cảnh giai khôngAi ơi, lấy Phật làm lòngTự nhiên siêu thoát khỏi vòng trầm luân
Với sự tin tưởng đó, Nguyễn Du tiên sinh đã kết thúc “Văn tế thập loại chúng sinh” bằng một trai đàn chẩn tế, thành tâm dâng cúng:
Ai đến đây, dưới trên ngồi lạiCủa làm duyên chớ ngại bao nhiêuPhép thiêng biến ít thành nhiều.Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinhPhật từ bi hữu tình phổ độChớ ngại rằng có có, không khôngNam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô TăngNam Mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu và cúng thí cô hồn, xá tội vong nhân, xin trích lại phần nào bài văn tế của thi hào Nguyễn Du để góp lời cầu nguyện dâng lên mười phương Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng, xin nhủ lòng lân mẫn cứu độ muôn loài còn đang ngụp lặn trong bể khổ sông mê, sớm đủ duyên chạm được ánh từ quang mà vượt thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni PhậtNam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
(*) Kệ kinh Kim Cang.- Những câu thơ song thất lục bát là trích trong văn bản “Văn tế thập loại chúng sinh” của thi hào Nguyễn Du
Biển Dài – Mùa Vu Lan 2009
Theo: hoangphap.info

Thursday, May 27, 2010

Vấn đề giảng dạy trong gia đình Phật tử

Trong xu thế hiện nay, vấn đề giáo dục được đưa lên hàng đầu. Không một thể chế chính trị nào, một quốc gia nào có thể ngoảnh mặt với việc giáo dục. Gia đình Phật tử (GĐPT) là một đoàn thể có truyền thống giáo dục hơn nửa thế kỷ nay. Lấy nền tảng giáo lý Phật đà, GĐPT luôn nêu cao việc giáo dục người đoàn viên áo lam thành Phật tử chân chính. Điều đó được khẳng định ngay trong mục đích của tổ chức. Xin không bàn nhiều đến vấn đề giáo dục trong GĐPT. Người viết chỉ có một mong muốn nhỏ qua bài này, những thành viên Ngành Thanh – đội dự bị của huynh trưởng – sẽ nhìn lại thực tiễn một khía cạnh trong việc giáo dục của GĐPT: vấn đề giảng dạy.
Hơn năm mươi năm qua, bao lớp lớp thế hệ tiền nhân đã dày công vun đắp cho tổ chức áo lam chúng ta ngày càng vững mạnh. Việc giảng dạy trong GĐPT luôn luôn được đề cao và kết quả là nhiều quý anh chị đã có được một trình độ uyên thâm về Phật học, nhạy bén về chuyên môn, tháo vát trong mọi công việc. Không thể nói khác hơn, chính môi trường GĐPT đã rèn luyện con người toàn diện theo một đặc thù khác hẳn lối truyền đạt của nhà trường khuôn mẫu.
Khung cảnh tạo nên một “lớp học” trong GĐPT không phải là một “lớp học” tù túng trong bốn bức tường với những bàn – ghế – phấn – bảng và sự nghiêm nghị của người dạy. Cái gọi là “lớp học” trong GĐPT nhẹ nhàng hơn nhiều, phóng khoáng hơn nhiều nhưng vẫn bảo đảm mức độ “truyền – nhận tin” đầy đủ nơi cả người dạy lẫn người học. Không cố tạo ra một hình ảnh lớp học thứ hai cho các em, GĐPT bước đầu đã chinh phục các em trong tư thế của người “đi học”. Có thể vì thế, bài học trong GĐPT càng thú vị hơn, càng khắc sâu hơn? Vâng! Còn gì bằng khi học một bài học về cỏ cây thiên nhiên, ước đạc chiều dài một con suối, các em được mục kích tại chỗ bài học thực tiễn trực tiếp ngay bên mình. Học về lịch sử một ngôi chùa nào đấy, các em được nghe tận tai, thấy tận mắt cái “vật thể” mà mình cần học, dù có dùng trăm ngàn thứ để diễn đạt vẫn không bằng một thực tế trực quan! Vả lại, cái vòng tròn kết nối các em với nhau, tạo nên một không khí thân mật, ấm cúng. Các em khăng khít nhau hơn trong việc học. Vòng tròn GĐPT đã xoá bỏ cái khoảng cách giữa người dạy và người học, mà ở nhà trường, người ta lại muốn cái khoảng cách ấy càng phải xác định rõ ràng hơn. Khung cảnh “lớp học” trong GĐPT làm chất keo kết dính lại những thành viên trong nó.
Bài học trong GĐPT không nặng hình thức như một bài học mang tính cách “giáo khoa”, cứng nhắc. Nó là cái gì đó hết sức linh động, tuỳ theo sức của người học mà uyển chuyển để thay đổi cho thích hợp. Chúng ta biết “tuỳ duyên” nên có thể “tuỳ căn cơ” của các em mà khai thị. Người dạy có thể dùng những phương pháp gần gũi nhất, dễ hiểu nhất làm thế nào bảo đảm được bài học trọn vẹn đi vào được tâm não các em. Đó chính là điều thú vị cho người học trong GĐPT. Dưới một lớp học nhà trường thì khác.
Và vài năm gần đây, chúng ta nghe thấy đây đó, người ta đang cải cách phương pháp giảng dạy trong nhà trường. Tận dụng tối đa những phương pháp trực quan để người học dễ lĩnh hội bài học một cách rốt ráo nhất. Người ta bắt đầu đưa các em vào một vòng tròn, thay vì “nhốt” các em trong bốn bức tường như xưa kia. Bài học không chỉ được dạy trên bục giảng mà nó tiến dần ra ngoài thiên nhiên. Chơi giữa giờ học được khai thác nhiều hơn … “vòng tròn có một cái tâm …” sẽ cho các em không khí tương tự như GĐPT đã làm từ hơn năm thập kỷ qua.
Phương pháp giảng dạy mới hiện nay là lấy người học làm trung tâm. Người dạy chỉ đặt vấn đề, chỉ là người gợi ý cho người học phát biểu ý kiến, cùng nhau xây dựng bài học. Không còn tình trạng người dạy đọc, người học chép. Và vì nó là phương pháp mới nên không dễ gì ngày một ngày hai mà người ta thích ứng ngay được.
Nhưng chính môi trường Áo Lam của chúng ta, vấn đề lấy người học làm trung tâm đã thật sự thực hiện từ thuở nào rồi! Chúng ta biết, giáo dục trong GĐPT là phải tuỳ duyên, tuỳ căn cơ của đoàn sinh mà đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Phải lấy đoàn sinh làm trung tâm cho bài học. Đó chẳng phải là phương pháp mà người ta hôm nay mới nghiệm ra và đưa vào thực hiện? Vậy thì tại sao lại không phát huy tính tích cực của phương pháp này để tiếp tục đưa các em đến với Đạo? Chính bản thân người viết chứng kiến, ở nhiều nơi, hiện tượng lớp học thứ hai đã xuất hiện trong giờ học của GĐPT. Không khí học của các em được chúng ta thu hẹp vào bốn bức tường như kiểu học đường. Các em đã có năm ngày gò bó trong lớp học tại trường, vậy sao không thổi vào luồng khí mà các em cảm thấy mới lạ trong GĐPT?
Một sự thật cần nhìn nhận là trình độ của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, dẫu biết rằng sự nhiệt tình có thừa! Nói đến trình độ của người dạy thì phải hiểu ở hai khía cạnh: nội điển và ngoại điển. Ngoài hai khía cạnh đó, người dạy đang khoác áo lam như chúng ta còn cần thêm một điều kiện quan trọng nữa là: sự thực chứng, tức là sự chứng nghiệm một lý thuyết nào đó đã thông qua thực hành, từng trải của bản thân.
Trình độ người dạy cần phải nâng cao liên tục. Đối với nội điển, người dạy phải ý thức được việc học và nghiên cứu Phật Pháp là công việc lâu dài và thường xuyên. Về ngoại điển, ngoài chuyên môn nghiệp vụ mà mình tiếp thu từ nghề nghiệp của mình, chúng ta cũng cần đưa tầm nhìn của mình sang các lĩnh vực khác, chuyên môn nghiệp vụ khác. Vấn đề hiểu biết xã hội cũng là vấn đề cần nêu ra đây. Người dạy không thể nào chỉ nói theo sách vở. Nếu có sự liên hệ với xã hội bên ngoài vào trong bài dạy của mình, chúng ta sẽ có bước đầu thành công. Vấn đề quan trọng hơn cả là: tâm lý trẻ. Cần hiểu trẻ thì mới thu phục được trẻ.
“Tại sao tạo hoá ban cho con người với hai lỗ tai mà chỉ một cái miệng?”. Tôi nghe lõm bõm đâu đó câu vấn nạn này. Tôi thầm nghĩ, câu nói trên đây nếu người dạy biết đem vào áp dụng trong việc dạy của mình thì chuyện học và giảng dạy trong GĐPT không còn là vấn đề nan giải nữa.
Và sau cùng, chúng ta phải nâng cao trình độ bằng cách thức như thế nào? Xin thưa! Cần tự học! Ngoài những khoá học, bậc học cho huynh trưởng và đoàn sinh, chúng ta cần tự học là chính. Nhưng nguồn tri thức nó ở đâu? Nó ở quanh chúng ta thôi! Vì chúng ta chưa biết cách mở và mở như thế nào những cánh cửa tri thức để nâng cao trình độ mình. Những thư viện kinh sách, những tủ sách, nhà sách mọc lên như nấm trong những năm gần đây đủ cho thấy sự học của chúng ta ngày càng thuận lợi. Với những người thông thạo ít nhiều về vi tính thì học Phật, học Đời qua đĩa (CD-Rom), qua mạng (Internet). Nó là môi trường, là phương tiện, là công cụ không thể thiếu cho những người cần học, biết tự học. Vì có học mới có thể dạy cho người.
Dông dài văn tự để người viết trình bày sơ nét những gì còn tồn đọng trong việc giảng dạy của chúng ta. Biết nhìn vào thực tiễn bằng nhiều hướng, nhiều góc độ để thấy rõ cái gì khiếm khuyết. Phải có cái nhìn như thế để tự đánh giá, tự thẩm định chính mình. Còn các em, những người học, đang cần chúng ta trao truyền ngọn lửa mà các thế hệ đi trước đã thắp sáng. Muốn dạy thì chúng ta cần phải học. Và phải có mười mới dạy các em được một, được hai. Từ những việc tự nâng cao trình độ, hiểu biết và thực chứng của mình, chúng ta còn cần phải hiểu tâm lý trẻ, cần biết tạo không khí giờ học như thế nào để các em còn cần đến chúng ta, còn cần đến GĐPT.
Lưu Ly
Nguon: thienhoa6.tk