Friday, February 4, 2011

Hanh phuc giua cai chet

    Cái chết không phải mất mát lớn trong cuộc đời. Mất mát lớn nhất là cái chết của những mối quan hệ bên cạnh chúng ta trong khi chúng ta hiện đang sống.

    Nhân mùa Phật Đản, Phật lịch 2551 của Đại thừa Phật giáo, cũng như lễ Tam hợp của Đức Thế Tôn theo Nam truyền Phật giáo (Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn), viết theo Anh ngữ: (Commemoration of 2551th Aniversary of Mahaparinirvana of Lord Buddha). Người viết đi giã ngoại, tham quan thánh địa Chamba(campa) tỉnh Punjab, ban Himachal Pradesh, Ấn Độ, tình cờ gặp tờ báo Himachal Pradesh toàn chữ Hindi, ra ngày 25 tháng 5 năm 2007, là thứ tiếng Ấn Độ, nhưng có một câu duy nhất viết bằng Anh ngữ, đăng trên trang đầu tờ báo:

“Death is not the greatest loss in life. The greatest loss is the death of relationships inside us while we are live”.

Nay mùa An cư của chư Tăng, chúng tôi xin gởi đến quí vị Phật tử ý nghĩa câu viết này, người viết lấy tiêu đề “Hạnh phúc giữa cái chết”.

Thưa, câu trên tạm dịch: Cái chết không phải mất mát lớn trong cuộc đời. Mất mát lớn nhất là cái chết của những mối quan hệ bên cạnh chúng ta trong khi chúng ta hiện đang sống.

Xin giải thích thêm:

Chết là gì? Thông thường theo người đời, chết là sự trút hơi thở của một con người để về cảnh giới khác. Nhưng theo Phật giáo, chết là diễn biến tương tục từng sát na không lúc nào ngừng, như chúng ta đang sống, sự tuần hoàn của tế bào máu thay đổi, sanh diệt liên tục. Theo câu trên, chết có ý nghĩa là chúng ta đang sống mất hết mọi quan hệ bên cạnh cuộc sống chung quanh chúng ta thì cũng coi như đã chết. Chết có nhiều tên gọi, đối với bậc trưởng lão Phật giáo gọi là xả báo an tường thâu thần Thị tịch, Viên tịch.Vua chúa gọi là băng hà, đối với người thường gọi là qua đời. quá vãng, vãng sanh…, còn đối với chiến sĩ chết gọi là Tử trận. Người chết nước gọi là Trầm nịch….

Hạnh phúc là như thế nào? Một quyển sách của Ngài LatLaiLatMa người Tây Tạng, lấy tựa đề “Sống hạnh phúc, chết bình an”. Nghĩa là chúng ta sống có tu tập, làm cho thân tâm chúng ta an lạc, gia đình bình an và xã hội an hòa thì chúng ta đã chuẩn bị cái chết trong tương lai không có điều gì sợ hãi và khiếp đảm cả. Có một Phật tử hỏi Thiền sư: “Con quá đau khổ trong cuộc đời vì gặp mọi hoàn cảnh không thể sống nổi. Thưa Thiền sư! Làm thế nào để con có được hạnh phúc?” Thiền sư trả lời: “Ông Tổ chết, Ông nội chết, cha chết, con chết… như vậy là hạnh phúc”. Người Phật tử rất hoảng sợ. Mình đã mang nghiệp duyên gi đây lại chịu nhiều nỗi đau khổ thế, đến vị Thiền sư cho một câu có nhiều chữ “Chết”, khiến con người mình càng thống khổ thêm. Nhưng về sau, Phật tử đó lại “Giác Ngộ” được câu nói của vị Thiền sư, nghĩ ra rằng vị Thiền sư nói đúng. Sống theo thứ lớp, chết cũng theo thứ tự, không bị chết một cách oan ức, oan uổng cuộc đời thì đó là hạnh phúc.

Trong cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc cho những ai may mắn đi trọn đường đời, khi xả báo thân an vui tự tại, an lạc trước sự ra đi của người thân, từ giả cuộc đời, về cõi vĩnh hằng để tìm cuộc sống mới. Chúng ta làm thế nào để người thân hiểu được nỗi mất mát lớn trong gia đình khi có người đang mất?. Thật bất hạnh thay! Cho những ai nghiệp cảm chồng chất nhiều đời, tham ái chấp thủ, nhân duyên ràng buộc, khi họ đang sống mang nhiều tật nguyền, bệnh tật khó điều trị, sự sống đè nặng lên trên cái chết (sống cũng như chết). Thế mà họ vẫn yêu cuộc sống của họ và chấp nhận cay đắng cho kiếp người. Hay bất chợt vì thời tiết trái gió trở trời lại bị bệnh trúng phong, trúng độc, thổ tả…qua đời. Có người vì tình duyên trắc trở, gia đình không hạnh phúc, có lúc quyên sinh, trầm mình dưới dòng nước lạnh… để lại mất mát lớn và nỗi oan nghiệt cho người thân, hoặc tai nạn, chiến tranh… bỏ thân ra đi từ giã cuộc đời mình đang sống. Như trong kinh Dược Sư diễn tả 9 cái chết không cứu được là vậy.

Những mất mát trên, chưa gọi là mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự ra đi không tìm lại được, cái lớn nhất trong cuộc đời con người là sự hủy diệt của thân và tâm, thay đổi trong từng sát na, biến đổi từng dây từng phút. Và lớn hơn nữa, trong môi trường sống, mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội là sự gắn bó thân thiết, tạo niềm tin thiết thực trong cuộc sống. Nếu chúng ta không hiểu được ý nghĩa lời nói trên lại là nỗi khó khăn trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta bị màn Vô minh của Tam độc: tham, sân, si chấp thủ, luôn trói chặt mọi hoàn cảnh sống của chúng ta, khiến không đón nhận tình thương yêu của tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỉ và tâm Xả của Phật giáo. Chúng ta cũng hiểu rằng: loài thú cũng biết bảo vệ đồng bọn, lại chống cự với kẻ thù tấn công, hay có những con vật kêu rên xiết, treo mình theo bạn bè đã chết.

Như thế, chúng ta không hiểu hạnh phúc giữa cái chết, phải chăng chúng ta đánh mất hết những mối quan hệ giữa người thân gia đình, tập thể và mọi hoàn cảnh xã hội trong mội trường sống của chúng ta hiện đang sống thì chúng ta sống cũng xem như đã chết.

Mùa An cư kiết hạ của chư Tăng, cũng như mùa Báo Hiếu sắp trở về, người viết gởi đến quí vị Phật tử giá trị của câu nói trên để chúng ta nhận chân được mọi hoàn cảnh sống tác động vào bản thân, gia đình và xã hội làm cho tâm chúng ta thêm vững mạnh, trí tuệ khai mở đón nhận vòng tay yêu thương rộng mở của tình yêu thương cuộc đời trong mọi hoàn cảnh sống chúng ta. Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ khắp pháp giới chúng sanh thân tâm thường lạc, hưởng một mùa Vu Lan tràn đầy niềm HIẾU HẠNH.

Mùa An cư kiết Hạ, Phật lich: 2551, dương lịch 2007. Viết tại Đạo tràng An cư kiết Hạ của chư Tăng sinh viên Việt Nam, Chùa Đài Loan, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.

Kính bút

TK Thích Viên Tánh

No comments:

Post a Comment